HELENA PETROVNA BLAVATSKY-CH 8-9

CHƯƠNG VIII
Lamasery

Nay ta nói về đời sống và những sinh hoạt khác của HPB, trong thời gian bà ở Hoa Kỳ trước khi sang Ấn Độ (1874 - 1878). Khoảng tháng 12 - 1874 HPB đi Boston, tới ở Philadelphia. Ông Olcott có câu chuyện trong giai đoạn này như sau:
– HPB mời tôi xuống Philadelphia chơi, tôi nhận lời và dự tính nghỉ ở New York chỉ hai hay ba ngày, nên không dặn văn phòng của tôi chuyển thư. Tuy nhiên khi đến nơi, thấy rằng bà muốn lưu tôi ở lâu hơn nên hôm sau tôi ra bưu điện, cho địa chỉ ở Philadelphia nhờ chuyển thư. Thông thường lá thư sẽ có hai con dấu, mặt trước là con dấu bưu điện nơi gửi và mặt sau là con dấu nơi nhận, nếu thư được chuyển tới nơi khác với địa chỉ trên thư, thì sẽ có thêm những con dấu khác cho tới khi đến tay người nhận. Chiều ngày ra bưu điện nhờ chuyển thư, tôi sắp ra khỏi nhà để đi dạo một vòng thì người bưu tá đến, mang cho tôi một số thư từ rất xa, có một cái từ nam Mỹ, ghi địa chỉ của tôi ở New York, có những dấu bưu điện đi qua mà không có dấu New York. Chúng đi thẳng tới tôi ở Philadelphia mà không qua bưu điện New York chi hết, và không ai ở New York biết địa chỉ Philadelphia của tôi, vì chính tôi không biết địa chỉ lúc ra đi. Tôi nhận thư từ tay người phát thư, có nghĩa HPB không liên can gì và khi mở ra xem, bên trong mỗi thư có chữ viết tay, y như trong những thư mà tôi nhận được của Chân sư ở New York. Chữ viết hoặc ở ngoài lề, hoặc ở khoảng giấy trắng mà người viết thư để trống. Lời viết hoặc là phê bình về tư cách hay động cơ của người viết thư, hay những chuyện về việc học hỏi huyền bí học của tôi. Nó là cái khởi đầu cho một loạt các chuyện ngạc nhiên, lạ lùng, xẩy ra trong khoảng hai tuần tôi ở Philadelphia. Tôi nhận được nhiều thư mà không thư nào mang con dấu bưu điện New York, dù rằng tất cả ghi địa chỉ văn phòng của tôi ở đó.
Từ Philadelphia bà quay trở về New York tháng 7 - 1875, cùng với ông Olcott ngụ trong tòa nhà số 46 Irving Place, đây là nơi diễn ra những cuộc họp dẫn tới việc thành lập hội Thesophia. Ông Judge kể:
– Tôi được gặp HPB lần đầu tiên khi bà mướn apartment ở phố Ivring Place, tại New York. Nhà có nhiều phòng. Phòng trước nhìn xuống đường Ivring Place, phòng sau nhìn ra vườn. Tôi đến thăm bà lần đầu vào buổi tối, thấy bà ngồi giữa đám đông những kẻ luôn luôn bị sự hiện diện của bà thu hút. Nhiều ngôn ngữ khác nhau được nghe thấy trong phòng, bà Blavatsky đang chuyện trò thao thao bằng tiếng Nga rất say sưa, đột nhiên quay sang đưa ra nhận xét bằng tiếng Anh với ai khác, đang nói về một đề tài khác hẳn với cái bà dự. Làm vậy không hề gây xáo trộn cho bà, vì lập tức bà quay trở lại câu chuyện tiếng Nga, tiếp tục ngay ở nơi nó đã bỏ dở khi nẫy.
'Nhiều chuyện nói trong tối hôm đầu tiên đó làm tôi chú ý sinh óc tưởng tượng. Tôi thấy ý nghĩ thầm kín của mình bị đọc được, chuyện riêng tư bị bà biết hết cả. Bà không hỏi mà chắc chắn không thể nào có việc là bà dò la về tôi, bà nhắc đến vài chuyện riêng tư của tôi và những cảnh ngộ lạ lùng, cho thấy ngay là bà biết rất rõ về gia đình tôi, quá trình, khung cảnh quanh tôi và khuynh hướng trong lòng.
'Hôm sau tôi nghĩ cách làm thí nghiệm với bà Blavatsky.Tôi lấy một con bọ rầy cổ mà bà chưa hề thấy, và nhờ một nhân viên của bạn tôi gói lại, gửi đi bằng bưu điện. Tay tôi không đụng tới cái gói mà cũng không biết nó được gửi lúc nào. Nhưng khi tôi đến thăm bà vào cuối tuần, bà ngỏ lời cám ơn về con bọ rầy, tôi giả bộ không biết nhưng bà nói làm bộ chỉ vô ích thôi, và cho tôi hay luôn là đã gửi nó cách nào, ở đâu. Giữa khoảng thời gian từ lúc gửi cái gói đi và đến thăm bà, tôi không hé môi cho ai hay. Tôi đến thăm bà rất thường tại nhà bà ở đường 34. Trong những phòng đó tôi hay nghe tiếng gõ trên bàn ghế, cửa kính, gương, cửa sổ và tường, chuyện hay thấy trong những buổi cầu hồn tắt đèn tối. Tuy nhiên với bà thì hiện tượng xẩy giữa lúc đèn sáng, và chỉ xẩy ra khi bà ra lệnh, rồi không thể có lại nữa một khi bà ra lệnh chúng ngưng. Chúng tỏ ra có thông minh và làm theo lời bà yêu cầu từ nhẹ đến mạnh, từ nhiều đến ít cái một lần.’
Sau đó hai vị dọn sang số 433 West 34 th Street, lấy hai căn ở hai tầng kế nhau, bà Blavatsky ở tầng dưới còn phòng của ông Olcott ở tầng trên. Gia đình em gái của ông Olcott tên Belle Mitchel cũng ngụ tại đây, ở tầng trên nữa.
Tới tháng 8 - 1876 thì hai vị mướn hai apartment số 302 West 47 th Street, và ở cho đến khi sang Ấn Độ. Tòa nhà có apartment của HPB ở tầng thứ nhất vẫn còn tại thành phố New York, apartment của ông Olcott ở tầng thứ hai. Do lối bài trí trong nhà, tính chất những cuộc chuyện vãn nơi ấy và có lẽ cũng do con người của HPB, khách đến thăm hai vị gọi chỗ này là Lama Viện (Lamasery), và nơi đây trở thành chỗ thu hút nhất của thành phố New York. Bà Belle Mitchell với chồng và các con cũng ngụ trong apartment trong cùng tòa nhà với HPB và ông Olcott, ở tầng trên Lamasery. Bà Belle rất thân cận với HPB, về sau khi có người chỉ trích HPB bà Belle viết bài bênh vực, nói rằng đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ lùng và tuyệt diệu do HPB tạo ra, không chủ tâm hay có chuẩn bị trước. Nhiều hiện tượng kỳ lạ xẩy ra ở Lamasery mà bà Belle gián tiếp dự phần, nên là chứng nhân. Nhưng trước tiên ta hãy nghe ông Olcott nói về cảnh nhà ở đây.
– Thông lệ của chúng tôi tại Lamasery là như sau, hai chúng tôi điểm tâm khoảng 8 giờ sáng, và ăn tối lúc 6 giờ chiều rồi làm việc đến quá nửa đêm, tùy theo công việc và khách đến làm gián đoạn nhiều ít. HPB ăn trưa ở nhà còn tôi ở dưới phố gần văn phòng. Sau điểm tâm tôi đi làm còn HPB ngồi ở bàn làm việc, chiều đến hai chúng tôi dùng chung bữa tối có người giúp việc nấu ăn, vì bà Blavatky không thạo chuyện bếp núc. Nếu không có ai làm bếp thì tôi sẽ xắn tay áo làm không dám nhờ đến bà, vì một lần khi muốn ăn trứng, bà đặt quả trứng sống vào giữa than hồng trong lò sưởi. (Có lẽ ông không biết rằng với lối giáo dục thuộc giai cấp của bà tại Nga, HPB không được dạy nữ công gia chánh, mà mọi chuyện trong nhà đều có gia nhân phục vụ.) Bữa tối thì thường khi chúng tôi có khách, ít có mấy buổi tối được ngồi một mình. Việc nhà rất giản dị, chúng tôi không uống rượu và thức ăn không cầu kỳ. Có người giúp việc lo bữa tối, dọn dẹp xong thì họ về, sau đó mọi chuyện chúng tôi tự lo lấy.
Kể ra không có gì tuy cái quan trọng hơn là lo trà, đường và sữa cho khách. Thí dụ phòng đầy khách lúc 1 giờ sáng, ai ngỏ ý muốn uống trà thì HPB trả lời tỉnh queo:
– Phải lắm, ta uống đi.
mà không nhúc nhích, làm như trà sẽ tự động được mang ra. Ông Olcott mấy lần chạy đi mua đường và sữa, tự nhiên là tiệm không mở cửa nên cuối cùng bực quá, ông viết giấy đính trong nhà:
Xin khách vào bếp tự pha trà lấy, có thể có sữa và đường trên kệ.
Xin cứ tự nhiên.
Khách đến chơi thuộc đủ mọi thành phần, sự phân biệt giai tầng trong xã hội được gát bỏ ở thềm nhà, ta có người giầu và nghèo, người Thiên chúa giáo và không theo Thiên chúa giáo, người có học và ít học, ai cũng được đón tiếp niềm nở, và thắc mắc của họ về tôn giáo hay những đề tài khác được chăm chú lắng nghe. HPB bẩm sinh là người quí phái rất mực, nên tỏ ra rất tự nhiên đối với giới thượng lưu cao tột, mà cũng là người vị tha có óc bình đẳng, bầy tỏ lòng hiếu khách thân thiện với vị khách tầm thường nhất. Nhận xét này của ông Olcott được hỗ trợ thêm bằng lời của người khác, nói rằng:
– Ở Lamasery người ta có thể gặp giáo sĩ Công giáo, diễn viên, bác sĩ quân y, thương gia, nữ bá tước ngoại quốc, nghệ sĩ và thỉnh thoảng cả người Á châu. Gần như ai cũng không tin vào giáo hội, ai cũng thật thông minh tài giỏi, ai cũng chống đối lại thói thường về mặt này hay kia, và ai cũng công nhận bà Blavatsky là người dẫn đầu trong cuộc phản kháng của giới trí thức... Tất cả những đề tài có thể tưởng tượng ra trên mặt đất, trên trời hay dưới vực sâu đều được thảo luận nơi đây với triết lý, sự hóm hình trộn lẫn với nhau, điều không tìm thấy trong hai quyển Isis đồ sộ.
Có cả giáo sĩ Do Thái giáo cũng đến, thảo luận bộ Kabalah của Do Thái giáo mấy tiếng đồng hồ ban đêm, hay nhiều buổi tối với bà, nói với HPB rằng tuy họ nghiên cứu kinh sách của tôn giáo mình 30 năm nay, HPB đã dạy cho họ những điều không ngờ, làm sáng tỏ những đoạn mà ngay cả bậc thầy giỏi dang nhất của họ cũng không hiểu. Người nữa ghi lại quan sát của mình:
– Gương mặt bà lạ lùng hiếm thấy, nhiều tâm tình khác nhau có vẻ như liên tục lộ ra trên nét mặt của bà. Làm như bà không hề hoàn toàn chú tâm vào một đề tài nào. Đôi mắt cho thấy có cảm xúc tinh tế, nhận thức bén nhậy, nó luôn luôn làm tôi có cảm tưởng bà có hai cái tôi, như thể bà ngồi đây mà không có đây, chuyện trò mà nghĩ ngợi hay hành động ở nơi xa xôi khác... Trọn cá tính lộ ra sự tự chủ, uy lực. Liếc sơ qua chồng thư mà người giúp việc mang vào, tôi kêu lên:
– Thư từ nhiều quá, thưa bà ! Bằng các thứ tiếng khác nhau nữa ! Bà suy nghĩ bằng ngôn ngữ nào vậy ?
Bà đáp:
– Bằng ngôn ngữ của riêng tôi, không phải tiếng Pháp, Nga hay bất cứ thứ tiếng nào mà ông biết.
Khách trò chuyện và khi họ ra về thì hai vị tiếp tục bài viết của mình. Trọng tâm của nơi đây là phòng làm việc có một bàn dài, hai vị ngồi đối diện nhau viết lách đến khuya; bạn bè tặng bà cây dương cầm để chơi trên có chưng tượng Phật. Chính tại Lamasery mà việc viết sách Isis diễn ra cho thật nhiều chuyện thú vị lạ kỳ. Việc biểu lộ những lực tâm linh và luật thiên nhiên, luôn luôn được HPB làm trong vòng thân hữu riêng tư, ông Olcott cho rằng những hội viên ban đầu của hội bỏ đi sau đó, vì HPB từ chối không tạo phép lạ trong những buổi họp. Trước đó vào tháng 4 - 1875 HPB viết:
– Tôi học được là không thể chỉ dùng sự kiện đáng ngờ để thuyết phục kẻ khác, và ngay cả mỗi sự việc có thật cũng luôn luôn hàm chứa một điểm yếu này hay kia, dễ dàng cho người chống đối vin vào đó. Ấy là tại sao tôi đặt ra qui tắc là không bao giờ, dù trong bất cứ trường hợp nào, cho phép người ngoài dùng khả năng tâm linh của tôi. Trừ ông Olcott và hai hay ba người bạn rất thân, không ai thấy được chuyện gì xẩy ra quanh tôi.
Tuy vậy thời gian sau khi Isis viết xong thì số người chứng kiến hiện tượng có nhiều hơn, lên đến 6 hay 8 người, cũng như số hiện tượng tạo ra, các loại hiện tượng tăng hơn trước đó. Ông Olcott ghi rằng khi chỉ có hai người miệt mài lúc đêm khuya ở bàn viết, thỉnh thoảng HPB diễn tả những quyền năng huyền bí trong con người và thiên nhiên, bằng cách làm ra hiện tượng không định trước, để giúp ông hiểu các luật huyền bí đề cập trong cuộc thảo luận lúc đó của hai người, mà cũng để chỉ dạy ông về khoa học siêu hình, không khác nào việc làm thí nghiệm của khoa học gia.
Với những người khác, ta có nói đến giáo sư Alexander Wilder ở trên đã soạn phần danh mục cho quyển Isis. Ông cũng là khách thường trực tại Lamasery. Trong tất cả những khách nơi đây, có vẻ như ông là người duy nhất coi việc HPB tạo hiện tượng không có gì là quan trọng, ông tin bà có khả năng đó. Đối với ông cái quan trọng hơn hết là những cuộc thảo luận về triết lý với bà, một chân ông gác lên thành lò sưởi chân kia thượng ở nơi khác. Sang nhân chứng nữa là William Q. Judge thì ông viết:
– Bà chỉ ngụ ở đường 34 vài tháng rồi dọn sang đường 47. Khi bà yên nơi yên chỗ ở đường 47 rồi thì như thường lệ, từ sáng đến tối đủ mọi loại khách đến chơi quanh bà, và những chuyện kỳ bí tiếp tục xẩy ra, như cảnh tượng và âm thanh khác thường. Tôi đến chơi nhiều buổi tối như vậy, thấy giữa cảnh đèn sáng choang có những quả banh lớn sáng chói lăn khắp bàn ghế, hay chạy nhẩy tung tăng từ nơi này sang nơi khác, trong khi tiếng chuông ngân thánh thót hết sức êm tai, thỉnh thoảng vang lên giữa khoảng không trong phòng. Những tiếng động này thường bắt chước hoặc tiếng đàn dương cầm hay chuỗi âm thanh mà tôi hay người khác huýt sáo. Trong lúc những điều này xẩy ra thì HPB ngồi đọc hay viết Isis không màng đến chúng. Những mẫu tin ngắn hay câu hiện lên giấy xẩy ra rất thường, và tôi xin kể một thí dụ diễn ra trước mắt và tay tôi, theo cách không thể nào nghi ngờ được.
'Một hôm khoảng 4 giờ tôi đọc cuốn sách mà bạn ông Olcott mang đến. Tôi ngồi cách HPB khoảng hai thước lúc đó đang cắm cúi viết. Tôi cẩn thận đọc trang tựa của sách nhưng quên mất chính xác tựa là gì. Dầu vậy tôi biết là không có chữ nào viết trong đó. Khi mới đọc câu đầu tiên, tôi nghe có tiếng chuông trong không và nhìn lên, thấy bà Blavatsky đang chăm chú ngó tôi. Bà hỏi.
– Anh đọc cuốn gì đó ?
'Lật trở lại trang tựa tôi sắp lớn tiếng đọc tên sách, thì đập ngay vào mắt là một lời nhắn viết bằng mực ngang trên đầu trang, nơi mà vài phút trước đó tôi đã nhìn và thấy không có gì cả. Đó là câu nhắn khoảng bẩy hàng mực chưa ráo hẳn, có ý khuyến cáo về sách. Tôi chắc chắn là khi cầm cuốn sách trong tay thì không có chữ nào viết trên đó.
'Về bất cứ vật nào được mang một cách lạ lùng vào phòng bà, hay bay trong không theo cách phi thường để tới chỗ, thì luôn luôn bầu không khí còn phảng phất rất kỳ lạ trong một lúc một mùi dễ chịu, không phải lúc nào cũng giống nhau. Khi thì đó là mùi trầm có lẫn tinh dầu hoa hồng, khi khác là một mùi hương của đông phương mà tôi không biết, và có lúc nó giống như mùi nhang trong chùa. Một hôm bà hỏi tôi có muốn ngửi lại mùi hương, tôi thưa vâng thì bà cầm lấy khăn tay của tôi trong tay bà chốc lát, khi bà đưa lại cho tôi khăn tay ngát mùi hương quen thuộc. Để cho thấy là tay bà không có vật gì có thể truyền mùi hương vào khăn, bà cho phép tôi xem xét cả hay bàn tay thấy không có mùi nào. Nhưng sau khi tôi tin chắc là không có vật gì có mùi dấu trong tay bà, thì lại thấy một bàn tay bắt đầu tỏa một mùi lạ lùng rất đậm, còn tay kia thì tuôn ra từng đợt mùi nhang cũng rất nồng.
'Một buổi tối tôi hấp tấp sao lại một bức họa tôi đã vẽ, và nhìn quanh trên bàn tìm con dao rọc giấy để chà mặt trái bức vẽ, làm cho phần than chì trên tranh in vào tờ giấy trắng. Trong lúc tôi đang tìm có người nói rằng dùng mu muỗng canh là tốt nhất, tôi đứng dậy tính vào bếp ở cuối nhà để lấy muỗng nhưng HPB nói:
– Khoan, anh khỏi cần đi, chờ một chút.
'Tôi dừng ở cửa phòng còn bà ngồi trên ghế dơ tay trái lên. Ngay lúc ấy một muỗng canh lớn bay trong không xuyên qua vách tường đối diện vào tay bà. Không có ai ở đó ném muỗng cho bà, còn phòng ăn từ đó cái muỗng bay tới thì cách chỗ chúng tôi chừng 10 m, và có 2 bức tường ngăn nó với phòng khách.
'Văn phòng làm việc của tôi cách chỗ của bà ít nhất gần 5 km. Một hôm khoảng 2 giờ trưa, tôi ngồi trong phòng đọc một văn kiện luật pháp, trí tôi để cả vào đấy. Không có ai khác trong phòng còn phòng gần nhất thì cách phòng tôi một khoảng. Đây là khoảng trống trong tòa nhà để cho ánh sáng vào những phòng bên trong. Đột nhiên tôi cảm thấy trên tay có cảm giác lăn tăn, cái luôn luôn cảm biết trước khi chuyện lạ xẩy ra lúc có mặt HPB, và vào lúc ấy từ trên trần rơi xuống cạnh bàn, rồi từ đây rơi xuống sàn một mẫu giấy xếp thành hình tam giác của bà gửi cho tôi, nét chữ là của bà.
'Khi khác từ bức tường bà tạo ra hàng chục hộp sơn mà tôi muốn có để vẽ tranh trong phòng bà. Hay có lần người ta mang đến cho bà một phong thư dán kín, bà cầm thư ấy trong mấy ngón tay và lập tức nhấc lên phong thư thứ hai y hệt, tức trong tay bà có hai phong thư là phó bản của nhau. Hơn thế nữa, bà tháo chiếc nhẫn trên tay có gắn ba viên lam ngọc (saphire), trao cho một bà khách đeo nó một lát, rồi khi ra về mang theo nhẫn với bà, nhưng chiếc nhẫn thật vẫn nằm trên ngón tay HPB, bà khách chỉ mang ảo ảnh của nhẫn. Và có cả trăm thí dụ như thế.
'Tuy nhiên tất cả những chuyện này hóa mờ nhạt, so với những giờ phút tuyệt vời lắng nghe lời dạy của những đấng Cao cả, đến lúc đêm khuya khi mọi vật yên tĩnh, nói chuyện với ông Olcott và tôi cả tiếng đồng hồ. Khoảng thời gian từ nửa đêm đến 4 giờ sáng, là lúc tôi nghe và thấy nhiều nhất khi đến với bà ở New York.’
Làm sao tạo đồ vật hay khiến cho đồ vật bay từ xa đến ? Có lời giải thích sau:
– Việc lấy lá thư từ trong bao thư dán kín mà không làm gẫy dấu si, hay lá thư thành hình trong không, đậm đặc lại rơi xuống tay người trong phòng, mưa hoa rơi tới tấp xuống đất, chiếc nhẫn hóa thành hai và những thí dụ khác là do việc thu hút tụ lại của nguyên tử, nó có thể bị gián đoạn hay làm cho thu hút với bất cứ nhóm nguyên tử nào. Vật chất có thể được định nghĩa như là ether cô đọng và  trong tình trạng phân hóa, giống như giọt nước là hơi nước đã bị phân hóa. Khi ta làm cho vật chất đã phân hóa trở lại tình trạng chưa phân hóa, thì để nó đi xuyên qua những chất ở trong trạng thái phân hóa là chuyện không khó tí nào, giống như luồng điện chạy xuyên qua chất dẫn điện. Điểm chính của thuật là dùng ý chí làm gián đoạn, và tái tạo trở lại sự tương quan giữa các nguyên tử trong chất nào đó: tức kéo các hạt nguyên tử ra thật xa với nhau làm chúng trở nên vô hình, nhưng vẫn giữ chúng trong tình trạng lơ lửng hay trong vòng bán kính bị thu hút, để khiến chúng tụ trở lại theo ái tính sẵn có, và xếp đặt thành chất liệu như cũ.
Ông Judge thêm rằng một khi được làm tiêu tán và trở thành vô hình, vật có thể được gửi theo dòng tạo ra trong chất ether đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Tại điểm đã chọn, lực phân tán được thâu hồi lại và tính liền lạc có trở lại tức thì, khiến vật xuất hiện nguyên vẹn. Ngày nay khoa học nói là khoảng trống giữa các hạt nguyên tử trong vật ở thể đặc thì rất lớn giống như khoảng không giữa các hành tinh, như thế vật chất đặc chỉ là ảo ảnh.
Theo ông Judge, có hai cách sinh ra hiện tượng vật chất đi xuyên qua vật chất, thí dụ như hòn đá xuyên qua bức tường đặc. Lời giải thích thứ nhất là một vật nhỏ được làm tan rã bằng phương tiện huyền bí, rồi cho đi xuyên qua những vật khác, cách thứ hai là nếu nó được mang đi mà không làm tan rã, thì những chướng ngại đặc nào đứng cản trở trên đường, sẽ được phân tán sinh ra khoảng trống đủ cho vật đi qua. Ông đưa thí dụ là HPB lấy một vật nhỏ như cái nhẫn trước mắt ông, đặt nó trên bàn, rồi làm nó xuất hiện bên trong ngăn kéo đóng kín gần đó, mà tay bà không động tới nhẫn. Để làm vậy hoặc bà phân tán nó và làm vật đi xuyên qua vào trong ngăn kéo, hay làm tan rã ngăn kéo để có khoảng trống đủ cho cái nhẫn xuyên qua.
Nay ta trở lại những hiện tượng bà làm ở Lamasery như ghi trong sách của ông Olcott.
– Một buổi tối tôi cùng một bà bạn tên Houghton đi dự một buổi cầu hồn, HPB từ chối không đi. Bà đồng làm hiện trong tay tôi một nụ hồng xinh đẹp chưa nở hết, còn lấp lánh những giọt sương khuya. Bà kinh ngạc nói:
– Tinh linh bảo 'Thưa đại tá, đây là quà cho bà Blavatsky'.
'Tôi đưa nụ hoa cho bà Houghton và khi về đến nhà, bà đưa lại cho HPB lúc ấy đang hút thuốc lá và trò chuyện với khách. Bà Houghton đi ra ngoài cởi nón và áo khoác, còn tôi thì ngồi xuống nhập bọn với mọi người. HPB cầm nhánh hoa trong tay, ngửi hương hoa với vẻ mặt xa vắng mà ai thân cận biết ngay bà sắp làm hiện tượng, vẻ mơ màng của bà bị ngắt ngang vì ông Houghton nói:
– Hoa đẹp quá, thưa bà, xin cho tôi xem chút ?
Bà đưa nó cho ông gần như là máy móc và vẫn giữ cái nhìn xa xôi. Ông ngửi nụ hoa nhưng đột nhiên kêu to:
– Sao nặng quá, tôi chưa thấy hoa nào giống vầy. Coi kia, nó nặng tới nỗi rũ xuống!
Tôi nói:
– Ông nói sao. Có gì lạ đâu, hồi nẫy tôi cầm hoa trong tay có gì đâu. Để tôi coi nào.
Tôi đưa tay tới lấy hoa mà thấy nó nặng thật. HPB kêu:
– Cẩn thận, đừng làm gẫy!
'Tôi nhẹ nhàng lấy ngón cái và ngón trỏ tay phải nâng nụ hoa lên xem xét, thấy không có gì khiến phải nặng lạ lùng nhưng rồi giữa nụ hoa có một điểm vàng nhấp nháy, và tôi chưa kịp nhìn kỹ lại thì một cái nhẫn trơn, nặng bằng vàng rớt ra, như thể có lò xo đẩy nó rơi xuống sàn giữa hai chân tôi. Nụ hoa lập tức đứng thẳng trở lại và mất đi sức nặng kỳ lạ trước đó. Ông Houghton và tôi đều là luật sư, do nghề nghiệp nên rất thận trọng và cẩn thận xem xét nụ hoa, mà không thấy dấu hiệu nào là có ai đã đụng vào cánh hoa. Nụ khép chặt và những cánh hoa úp lên nhau, sát tới nỗi không thể nào ấn nhẫn vào lòng nụ mà không làm rách bông hoa. Lại nữa HPB chỉ cầm hoa trong tay vài phút trước khi đưa cho ông Houghton, với cả ông và tôi chăm chú nhìn dưới ba ánh đèn sáng choang.
'Chiếc nhẫn nặng 15 gr, tôi đang đeo nó lúc này. Nó không phải là vật tự nhiên có, mà thuộc về HPB và là cái từ nơi khác mang lại. Một năm sau khi thành lập hội, một buổi tối em gái tôi và chồng đến thăm HPB và tôi. Trong lúc chuyện trò em tôi hỏi xem cái nhẫn và xin kể lai lịch của nó. Cô cầm lấy nhẫn ngắm nghía rồi đeo lên tay khi tôi đang nói. Sau đó cô đặt nhẫn lên lòng bàn tay trái và đưa cho HPB, nhưng bà không đụng tới mà úp kín mấy ngón tay em tôi lại chốc lát rồi buông ra, bảo cô nhìn. Nó không còn là cái nhẫn trơn bằng vàng, mà có ba hạt kim cương nhỏ gắn vào họp thành hình tam giác.
'Một buổi tối giáng sinh, em tôi từ nhà của cô ở lầu trên trong tòa nhà của Lamasery, xuống gọi chúng tôi lên xem cây thông giáng sinh mà cô trang hoàng cho các con, khi ấy đã ngủ trong giường. Chúng tôi xem các món quà và HPB ngỏ ý tiếc là không có tiền để mua quà đặt dưới cây, bà hỏi em tôi là cháu trai mà bà rất thương thích món gì. Khi được biết là trẻ thích cái còi có tiếng to, bà nói:
– Tốt, chờ một lát xem.
'Lấy trong túi ra xâu chìa khóa, bà cầm ba chìa khóa trong tay và lát sau, đưa cho chúng tôi xem một cái còi to bằng sắt, treo tòng teng ở chỗ ba chìa khóa trên xâu. Để làm nên cái còi bà đã dùng hết chất sắt trong ba chìa khóa, và hôm sau phải làm lại ba chìa khóa mới. Khi khác, chừng một năm sau khi chúng tôi đã về ở Lamasery, tôi phải gửi bộ muỗng nĩa bằng bạc của gia đình tôi đi nơi khác, và HPB giúp tôi gói chúng. Sau bữa cơm tối chúng tôi uống cà phê nhưng không còn cái gắp đường bằng bạc, tôi đưa cho HPB tách đường và để vào đó cái muỗng cà phê. Bà hỏi cái gắp đâu, tôi bảo không còn nữa và bà nói:
– Chà, vậy phải có cái khác.
'Đoạn bà với tay xuống dưới ghế, lấy ra một cái gắp không có gì đặc sắc khó thấy ở tiệm kim hoàn. Hai tay gắp dài hơn bình thường, còn chia ở đầu thì giống như của cái nĩa lấy dưa ngâm dấm (pickle). Một tay gắp có khắc danh hiệu của Chân sư M. Vật này hiện được lưu tại Adyar. Hiện tượng mô tả một luật quan trọng, đó là muốn tạo nên bất cứ vật gì từ vật chất rời rạc trong không gian, bước đầu tiên là phải nghĩ ra vật ấy: hình dạng, kiểu mẫu, mầu sắc, chất liệu, trọng lượng và những đặc tính khác; hình phải sắc sảo với mọi chi tiết thật rõ nét. Bước kế là dùng ý chí đã luyện thuần thục, đem hiểu biết về các luật của vật chất và cách tụ lại, sai khiến tinh linh làm theo kiểu mà ta muốn có. Nếu người ra lệnh tỏ ra thiếu sót về chi tiết thì kết quả sẽ không hoàn hảo. Trong trường hợp này rõ ràng là HPB lẫn lộn trong trí hai hình dạng, một là cái gắp đường và hai là cái nĩa lấy dưa, hợp chúng lại với nhau cho ra cái kiểu lai này. Kết quả vì vậy là chứng cớ nói rằng hiện tượng bà tạo ra là thật, nó mạnh hơn là nếu bà tạo ra cái gắp đường hoàn hảo, vì ta có thể mua nó trong tiệm ở bất cứ đâu.
'Một dịp khác tôi có công chuyện phải đi Albany, nhân cớ ấy HPB đi theo để thăm ông bà Ditson đã hẹn từ lâu. Bà không có óc thực tế về chuyện hằng ngày, và thường phải nhờ cậy bạn bè giúp việc thu xếp hành lý. Trong dịp này, bạn của bà là ông Marquette sắp đồ vào túi xách Gladstone mà bà sẽ mang theo. Túi còn nằm mở to trong phòng bà lúc xe đến cổng để đưa chúng tôi ra ga xe lửa. Túi rất đầy và tôi phải xếp lại vài món trên cùng, ráng sức ấn mới đóng được túi rồi khóa lại. Tự tay tôi mang túi ra xe, từ xe lên toa xe lửa và xe lửa dời bánh. Tôi phải kể như thế cho bạn rõ khi đọc tới phần sau. Giữa đường tới Albany, một chai thuốc ho có chất nước sánh trong túi áo của bà bị vỡ, làm cho nhiều món trong túi áo hóa nhẹp: thuốc lá sợi, giấy quấn thuốc lá, khăn tay và mấy món khác. Nó khiến cho phải mở túi Gladstone lấy ra một số vật để tìm thuốc lá, giấy quấn v.v. Tôi làm hết mấy chuyện đó, xếp lại đồ trong túi, đóng nó và khóa trở lại; khi tới Albany tôi lại mang nó đặt lên xe chở tới nhà ông bà Ditson, xách lên bậc tam cấp và đặt xuống thềm nhà bên ngoài cửa phòng khách.
'Bà Ditson mới gặp bà lần đầu lập tức mừng rỡ hỏi han HPB, trong khi con gái nhỏ của bà đứng cạnh chân bà khách lạ cũng làm quen với khách, lấy tay vỗ nhẹ lên tay bà. HPB cảm thấy bị ngắt chuyện nên sau cùng bảo:
– Nào, nào, cháu ngoan, đứng yên một lát rồi bà có quà xinh lắm cho cháu.
– Đâu, đâu ? Cho cháu ngay đi. Trẻ hỏi.
'Tôi tin là món quà ấy còn nằm trong tiệm bán đồ chơi nào đó của Albany mà tôi sẽ bị kêu đi mua, nên đâm xấu bụng, rỉ tai xúi cháu nhỏ hỏi bà dấu món quà ở đâu. Trẻ làm theo và HPB nói:
– Đừng lo cháu ạ, bà cất nó trong túi xách.
'Vậy là đủ cho tôi hành động ngay, tôi hỏi bà chìa khóa, đi ra ngoài mở túi và thấy trước mắt khi túi mở banh ra một cây đàn piano gói rất mỹ thuật, có cỡ khoảng 37.5 cm X 10 cm với cái búa bằng bấc để chơi đàn nằm bên cạnh!
'Coi coi, HPB không xếp đồ vào túi của bà ở New York, không đụng tới nó chút nào cho tới lúc này; Tôi đóng và khóa túi trước khi đi; mở ra trở lại, tháo tung, xếp lại và khóa lần nữa lúc đi giữa đường, và ngoài túi ấy HPB không có hành lý nào khác. Tôi không biết cây đàn làm sao mà có, và làm sao có thế chui nằm trong túi trước đó đã đầy tới miệng.
'Một ngày có ông bạn ngưòi Anh đến chơi, mang theo con trai chừng 10 hay 12 tuổi. Chú nhỏ đi thơ thẩn quanh phòng ngắm nghía, coi mấy cuốn sách của chúng tôi, xem xét đồ trưng bày trong phòng, gõ thử cây dương cầm và tò mò ngó cái này cái kia. Rồi chú hóa ra chộn rộn muốn đi về, kéo tay áo ba muốn ông cắt ngang câu chuyện rất lý thú với HPB. Người cha không thể ngăn con quậy phá, và sắp đứng lên ra về thì HPB nói:
– Ô, không sao đâu, cháu chỉ muốn có gì để chơi thôi. Coi nào, để xem tôi kiếm ra được đồ chơi nào cho cháu.
Nói rồi bà đứng lên khỏi ghế đưa ra vòng qua cánh cửa ngay sau lưng, và rút ra một đồ chơi lớn hình con trừu có bánh xe mà tôi biết chắc là trước đó không hề có ở đấy.'
Nói về chuyện những hộp sơn mà ông Judge đề cập phớt qua ở trên, ông Olcott viết:
– Tôi có mặt lúc đó, nên xin thêm sự quan sát của tôi là nhân chứng cho chuyện. Đó là buổi chiều ở Lamasery, ông Judge đang vẽ cho bà bức họa nhưng thiếu mầu nên chưa làm xong. HPB hỏi ông cần những mầu nào, khi biết rồi bà đi lại cây dương cầm nằm sau ghế ông Judge, đưa áo ra như để hứng vật. Sau đó bà thả áo xuống bàn trước mặt ông Judge, và 13 lọ mầu khô hiệu Winsor and Newton lục tục rớt ra, là những mầu ông đã hỏi xin. Lát sau ông nói muốn có sơn mầu vàng, bà kêu ông lấy cái tách trong phòng ăn, rồi bảo ông đưa cho bà chìa khóa cửa bằng đồng. Cầm lấy hai vật này ở dưới cạnh bàn, bà chà xát mạnh chiếc chìa khóa lên đáy tách, xong đem chúng ra ngoài trở lại, và mặt phẳng của đáy tách có phủ một lớp sơn vàng nguyên chất tinh ròng nhất. Tôi hỏi tại sao cần chìa khóa, thì được giải thích là cần phải có linh hồn của kim loại làm cái nhân, để thu thập trong không gian những nguyên tử của bất cứ kim loại nào khác bà muốn làm đậm đặc.
Tiếp tục về phép lạ, bài trên báo Hartford Daily Times ngày 2 - 12 - 1878 ghi chuyện sau của một ký giả:
– Độc giả sẽ thấy khó tin và bây giờ nhìn lại tôi cũng thấy vậy, nhưng cùng lúc tôi biết ngũ quan không đánh lừa tôi, ngoài ra còn một người khác hiện diện khi ấy với tôi. Tôi thấy bà tạo nên vật như cách sau. Bà cùng với bạn tôi và tôi dạo phố, bà nói muốn mua các mẫu tự để trang trí cho tập ký sự của bà (scrapbook). Đây là tờ giấy lớn in 26 mẫu tự đủ mầu lấp lánh. Chúng tôi tìm hết các nơi mà không thấy đâu có, cuối cùng mua được chỉ có một tờ, nhưng dĩ nhiên là bà cần nhiều tờ nên đành phải chịu, chưa biết sẽ làm được gì với tờ này. Bạn tôi và tôi ngồi cạnh cái bàn nhỏ còn bà đem tập ký sự ra, bận rộn dán chữ vào tập và tức mình chắt lưỡi:
– Tôi cần hai chữ S, hai P, hai A.
Tôi nói.
– Để tôi ra phố tìm, chắc có tiệm bán.
Bà trả lời.
– Không, anh không cần. Và đột nhiên bà ngẩng lên hỏi.
– Hai anh có muốn thấy tôi làm ra vài chữ ?
– Làm ra ? Làm làm sao ? Sơn chữ à ?
– Không, làm vài chữ giống hệt như các chữ này.
– Nhưng làm sao làm được ? Cái này là do máy in.
– Được chứ, xem đây !
Bà đặt một ngón tay lên chữ S và nhìn vào đó vô cùng chăm chú, nhíu mày lại tỏ ra đầy ý chí. Khoảng nửa phút sau bà mỉm cười nhấc ngón tay lên, lấy ra hai chữ S giống hệt nhau và kêu to:
– Xong rồi !
Bà cũng làm y vậy với chữ P. Rồi bạn tôi nghĩ thầm:
– Nếu đây là giả mạo thì khám phá được, mỗi tờ chỉ có một chữ của một mẫu tự, để mình thử bà.
Nên anh nói:
– Giả thử lần này thay vì làm hai chữ rời nhau riêng biệt, bà làm chúng dính lại với nhau như A-A được không ?
– Chẳng sao cả, cách nào làm cũng được.
‘Bà đáp thản nhiên và đặt ngón tay lên chữ A, vài giây sau bà nhấc ngón tay lên, đưa cho anh bạn coi hai chữ A dính liền vào nhau theo ý anh muốn. Chúng y như là được cắt ra từ cùng một tờ giấy, không có vết nối hay dán nào cả. Bà phải cắt chúng rời nhau mới dùng được. Sự việc xẩy giữa ban ngày trước mặt bạn tôi và tôi, và được làm chỉ để cho bà dùng, cả hai chúng tôi hết sức kinh ngạc và đầy lòng khen ngợi, xem xét hai chữ hết sức cẩn thận, thấy chúng y hệt nhau.'
Tiếp tục với ông Olcott là chuyện sau:
– Một buổi tối như thường lệ hai chúng tôi hút thuốc trong lúc làm việc, bà vấn thuốc còn tôi hút tẩu. Tôi nhớ đó là cái tẩu mới và thuốc nhồi là loại tốt, nhưng bà đột nhiên ngửi rồi kêu to:
– Chà, ông hút thuốc gì tệ quá!
Tôi đáp là bà lầm rồi, vì cả tẩu và điếu thuốc không có gì đặc biệt. Bà nói:
– Nào, tối nay tôi không thích nó đâu, ông hút thuốc điếu đi.
Tôi đáp.
– Không, tôi không hút vì bà sẽ bực lắm.
– Sao ông không dùng thứ cái tẩu của Turkey từ Constantinople ? Bà hỏi.
– Tại vì tôi không có, thế thôi.
– Vậy thì, có cái cho ông đây.
Bà bảo, thò tay xuống bên dưới ghế bành và mang lên một cái tẩu đưa cho tôi. Nó bằng đất sét đỏ, miệng loe ra có mạ vàng, thân tẩu bọc nhung đỏ trang trí bằng một dây xích mạ vàng, có đính những đồng tiền giả. Tôi cầm lấy tẩu và nói giản dị.
– Cám ơn bà.
rồi nhồi tẩu và châm lửa rồi tiếp tục làm việc. Bà hỏi.
– Ông thích nó không ?
– Được lắm, tôi đáp, nhưng thay vì đỏ thì tôi thích nhung xanh.
– Tưởng gì, có tẩu nhung xanh vậy. Bà nói, đưa tay xuống nữa rồi nhấc lên có cái tẩu thân bọc nhung xanh. Tôi cám ơn bà và tiếp tục làm việc. Cứ như thế tiếp tục và bà nói:
– Đây, cái tẩu con.
và đưa cho tôi một cái tẩu nhỏ làm theo kiểu tẩu lớn.
Có vẻ như bà đang vui muốn làm tôi ngạc nhiên, nên kế đó bà tạo ra cái ống gắn thuốc lá kiểu Turkey có nạm vàng và hổ phách, bình cà phê và tách đường kiểu Turkey, cuối cùng là một cái khay chạm nổi có trang trí cẩn men giả. Tôi hỏi:
– Còn hết ? Bộ có cửa hàng Turkey bị cháy hay sao ?
Bà cười phá ra bảo rằng bấy nhiêu là đủ cho tối nay. Sau đó rất nhiều người đã thấy mấy cái tẩu và bộ đồ pha cà phê trong phòng của chúng tôi; khi rời New York chúng được đem cho hết bạn bè của chúng tôi, trừ cái khay và tách đường mà tôi đem sang Ấn và còn giữ đến giờ.
Trong thời gian này, việc tạo hiện tượng không phải chỉ giới hạn vào riêng bà Blavatsky, mà còn được vài nhân vật khác thực hiện, vẫn theo sách của ông Olcott (Old Diary Leaves):
– Hôm qua chủ nhật (1876) tôi đang ngồi đọc sách trong phòng thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi nói 'Mời vào' thì vị Chân sư người Hy Lạp đi vào, cùng một vị khác da sậm chừng 50 tuổi, lông mày và râu rậm mầu xám. Chúng tôi hút xì gà trò chuyện một lúc. Tôi hỏi ngài có quen biết bà Blavatsky. Ngài đổi đề tài, và do đó cho tôi hiểu rằng bổn phận đâu tiên của người đệ tử mới nhập đạo, là không hỏi câu nào có tinh riêng tư, mà chỉ đón nhận cái gì đến với họ.
'Ngài nói muốn cho tôi thấy việc làm ra hoa như các đạo sư có thể làm, cùng lúc đó ngài đưa tay chỉ lên không và coi coi, hình dáng mờ nhạt của hoa này rồi hoa kia, lá này rồi lá nọ từ trong khoảng không hiện ra. Căn phòng sáng trưng vì mặt trời đang chiếu vào, hoa càng lúc càng đậm đặc lại, một mùi hương dễ chịu lan khắp phòng. Hoa nằm lửng lơ như lông trôi trong không khí, mỗi cái nằm rời nhau rồi chúng hợp thành từng bó hoa, và một đóa hồng to, linh lan, hoa trà, hoa lài, và cẩm chướng rơi xuống tụ vào tay tôi. Những đóa hoa khác tách ra trở lại rơi lả tả như mưa lên sàn nhà. Tôi ngẩn người kinh ngạc vì hiện tượng.
'Ngài hỏi tôi có nhớ hồi mùa hè năm ngoái khi tôi vô ý để quên chiếc ghế nhồi bông ngoài hàng hiên, nửa đêm thức đậy vì trời sấm sét đổ mưa nặng hạt, và sáng ra ngạc nhiên thấy chiếc ghế khô rang trong khi vật gì quanh nó bị ướt mèm. Tôi nhớ lại chuyện ấy. Ngài bảo đó là hiện tượng được tạo ra, để kích thích trực giác tôi cho bén nhậy hơn, làm tôi ý thức vài quyền năng mà con người có thể làm.
'Trong lúc ngài đang nói thì mưa bắt đầu rơi lộp độp quanh chúng tôi trong phòng, rõ ràng mưa lớn đang rơi. Thấm ướt nhẹp, quần áo tôi cũng vậy, sách trên bàn, đồng hồ, hình chưng trên lò sưởi ướt hết, nhưng không giọt nào rơi trúng hai vị Chân sư. Các ngài ngồi đó yên lặng hút xì gà, còn tẩu của tôi ướt quá nên không cháy được. Tôi chỉ ngồi chịu trận nhìn sững hai ngài thật ngốc nghếch. Có vẻ như các vị thích thú với sự kinh ngạc của tôi, nhưng chỉ tiếp tục ngồi hút mà không nói gì. Cuối cùng vị trẻ hơn bảo tôi đừng lo, không có gì bị hư hại đâu.
'Mưa đột ngột chấm dứt y như nó thình lình bắt đầu, rồi vị lớn tuổi hơn lấy trong túi ra một hộp sơn mài và mở nắp, cho thấy có miếng pha lê hình tròn lõm. Ngài bảo tôi nhìn vào đó. Tôi cầm lấy hộp để cách mắt hơn một tấc và che mắt tránh nắng, sao cho không có tia phản chiếu rơi lên miếng pha lê, cái hộp tỏa ra một mùi hương liệu thơm nồng, giống như mùi trầm mà không phải chỉ có vậy. Ngài nói tôi muốn thấy bất cứ gì thì chỉ cần nghĩ đến nó, mỗi lần một việc mà thôi. Tôi làm như lời. Tôi nghĩ đến mẹ đã qua đời như bà vẫn thường ngồi cạnh tôi 20 năm về trước. Tôi thấy một cánh cửa ở đằng xa, nó tiến lại càng lúc càng gần hơn, hiện ra rỏ hơn cho tới khi tôi mất ý thức về những vật bên ngoài, và thấy như đang ở tại căn phòng tôi nghĩ trong trí. Những chi tiết đã quên từ lâu, tranh ảnh, bàn ghế v.v. hiện ra; mẹ tôi ngồi đó và câu chuyện 20 năm về trước được tiếp tục.
'Tôi nghĩ đến cảnh sắc thiên nhiên và lạ thay, tôi đứng chỗ mà núi non, thung lũng, sông, nhà cửa nằm trước mặt tôi. Tôi ở đó, không phải trong phòng ở đường 34. Việc diễn ra hơn một tiếng đồng hồ, làm như tôi có thể vút từ vùng khí hậu này sang vùng khác, theo tốc độ của tư tưởng và gọi được bất cứ ai hiện ra, nếu tôi muốn nói chuyện với họ. Những chuyện đã xẩy ra cho tôi lúc ngủ thoát ra ngoài cơ thể cũng được cho tôi thấy, nhưng nó chỉ có ít và không quan trọng, vì khi xem ra tôi tò mò hơi nhiều thì có một lực ngăn không cho tôi thấy gì cả.
'Chuyện diễn ra xong tôi hỏi vị trẻ tuổi có quen biết bà Blavatsky, nhưng tôi nghĩ ông phải biết bà vì căn flat của bà ở trong cùng tòa nhà, tôi nói tiếp mô tả con người, trí thông minh, tánh tình của bà v.v. Vị lớn tuổi nhờ tôi gửi lời thăm hỏi bà và bảo nếu được phép sẽ ghé thăm bà. Tôi chạy xuống tầng dưới ào vào phòng khách của bà, thấy ngồi đó hai vị y hệt đang hút thuốc với bà, và trò chuyện thân tình như thể họ là bạn cố tri. Bà ra dấu bảo tốt hơn tôi đừng vào, tựa như đôi bên có chuyện riêng cần bàn với nhau. Tôi đứng ngẩn ra nhìn trân trân người nọ tới người kia, vô cùng kinh ngạc. Tôi nhìn lên trần, phòng tôi ngay trên phòng bà Blavatsky, nhưng hai ngài không từ trên trần rơi xuống đây. Bà nói:
– Ông ngắm gì vậy, ông Olcott ? Có chuyện gì thế ? Hẳn ông điên rồi.
'Tôi không nói gì mà vội vã chạy băng lên lầu trở lại, mở toang cứa không thấy ai trong phòng. Tôi chạy xuống tiếp, họ đã biến mất. Tôi nghe cửa trước đóng lại, nhìn ra cửa sổ thấy hai vị vừa mới quẹo góc đường. Bà cho hay hai ngài ngồi với bà hơn một tiếng đồng hồ, và chỉ chịu nói có thế. Khi tôi cho bà xem quần áo ướt của minh và bó hoa là chứng cớ tôi không ngủ mê, bà chỉ đáp:
– Có gì đáng nói đâu. Đừng hỏi tôi gì hết vì tôi sẽ không nói chi đâu.
'Trong nửa giờ từ lúc hai vị biến mất, trong phòng không còn một giọt hơi ẩm hay có sự ẩm ướt nào cho thấy là mưa đã rơi. Nhưng y phục tôi vẫn còn ướt và phải phơi trước lò suởi cho khô.'
Theo ý ông Olcott, các hiện tượng HPB làm ra khi ấy có thể được giải thích bằng một trong những cách sau:
– Một số hiện tượng đòi hỏi có sự hiểu biết rốt ráo về tính chất của vật chất, về lực nối kết làm các nguyên tử tụ lại với nhau, nhất là có sự hiểu biết về Akasha, thành phần của nó, cái nó chứa đựng và tiềm năng.
– Hiện tượng liên quan đến quyền năng của tinh linh khi có ý chí của người sai khiến.
– Hiện tượng sinh ra do thôi miên và gợi ý, tạo nên ảo giác về thị giác, thính giác và xúc giác.
– Hiện tượng cần đến khả năng tạo hình hay chữ viết, thí dụ việc in hình hay viết lên giấy hay những mặt phẳng khác.
– Hiện tượng do việc đọc được tư tưởng, hay dùng thông nhãn thấy được việc quá khứ hay việc tương lai.
– Hiện tượng do việc giao tiếp tự ý giữa trí của HPB, và trí của người sống khác cũng có khả năng huyền bí như bà hay hơn.
– Hiện tượng loại cao nhất có đặc tính tinh thần hay trực giác, hay hứng khởi, do bà tiếp xúc được với Thiên Ẩnh Ký (Akashic Records), cái ký ức không hư hoại được lưu giữ trong thiên nhiên.
Ông thắc mắc như Vera trước đây tại Nga, là tại sao bà làm biết bao hiện tượng cho thân hữu, mà về sau không chịu làm cho ai nghi ngờ quyền năng và hiểu biết huyền bí. Có nhiều lý do cho việc này:
1. Một lý do được nêu ra trong thư của đức K.H. cho ông Sinnett, như ta sẽ đọc về sau.
2. Lý do khác là hiện tượng được tạo ra để củng cố niềm tin của ông Olcott và ai khác, y như đức Chúa làm phép lạ để củng cố niềm tin của các đệ tử.
3. Cái chót là khi ấy hội mới thành lập, cần gây ấn tượng trong công chúng nên bà tạo hiện tượng.
Thỉnh thoảng HPB cũng chơi dương cầm. Ông Olcott viết:
– Bà là nhạc sĩ dương cầm xuất sắc, chơi với cung cách và sự biểu lộ thật tuyệt vời. Bàn tay bà đích thực là mẫu cho nhà điêu khắc, cả trong trí tưởng lẫn thực tại, và chưa bao giờ nó được thấy rõ bằng khi lướt tay trên phím, làm vang lên khúc nhạc huyền diệu. Bà là học trò của Moscheles... Đôi khi lúc trời chiều bà ngồi trong phòng chỉ có hai chúng tôi, ngẫu hứng chơi đàn làm người ta tưởng như được nghe thiên thần tấu nhạc, hay ban hợp ca trên thiên đàng xướng thanh.
Người khác cũng có nhận xét tương tự, khi HPB tới ở chơi theo lời mời của giáo sư Corson, vợ ông kể:
– HPB ngồi xuống và chơi đàn theo hứng vô cùng khéo léo, tỏ ra có tài thiện nghệ rất đáng kể cho ai chỉ thinh thoảng mới chơi, khi có hứng trong lòng.
Trước khi kể tiếp, ta ghi thêm vài chuyện lý thú khác của hai vị;
'Một hôm bạn chúng tôi là ông Sullivan, trước kia là đại sứ Hoa Kỳ tại Portugal đến chơi. Trong lúc trò chuyện chúng tôi bàn đến hiện tượng hóa hai (duplication). Chiều hôm ấy tôi mang về nhà tờ giấy bạc 1000 mỹ kim đưa cho HPB cất. Bà lấy nó trong ngăn kéo ra đưa cho ông Sullivan cầm rồi cuộn lại trong tay. Xong bà kêu ông mở tay ra coi có gì, ông làm theo, banh tờ giấy bạc và thấy bên trong có cuộn một tờ khác giống hệt nó, y số thứ tự. Ông kêu lên:
– Hoan hô, làm giàu cách này được lắm!
HPB trả lời.
– Không đâu, đây chỉ là trò tâm lý. Chúng tôi, những ai có quyền năng này, không dám dùng nó cho lợi riêng của mình hay ai khác, giống như ông không dám làm bạc giả. Cách nào cũng là lấy cắp của chính phủ.
'Bà từ chối không thỏa mãn óc tò mò của chúng tôi là làm sao biến nó thành hai tờ, vừa cười vừa bảo chúng tôi ráng mà tìm hiểu lấy. Hai tờ giấy bạc để nằm cạnh nhau trong hộc tủ và khi khách đã về rồi, bà cho tôi thấy là chỉ còn lại tờ thật ban đầu, tờ sao đã tan biến mất.
'Một thời gian ngắn trước khi rời New York, HPB cùng với tôi ra phố sắm vài món cho bà, tổng cộng lên đến 50 mỹ kim. Bởi lúc ấy bà không mang theo tiền nên tôi trả thay cho bà và lấy biên lai. Lúc sắp qua cửa vào nhà, bà buông cánh tay tôi và cầm lấy bàn tay tôi, nhét vào đó mấy tờ giấy bạc, nói:
– 50 đồng của ông đây!
'Tôi nhắc lại là bà không có tiền trong người, không có khách nào tới nhà để bà có thể mượn tiền, hay khi chúng tôi rời nhà bà biết là sẽ mua gì hay chi ra bao nhiêu. Bà chỉ giản dị có tiền khi thực sự cần nó, và khi đúng là bà nên có nó. Lấy thí dụ có lần tôi được nhờ đến một thành phố và làm công chuyện cho các Chân sư, cái sẽ có hệ quả nghiêm trọng. Tôi ước lượng là phải cần ít nhất từ một đến hai tháng mới xong, và bởi tôi trả tiền nhà Lamasery, và chi phí trong nhà cũng như có nhiều món phải chi tiêu, tôi thành thật bảo HPB là không thế bỏ việc ở New York để đi xa. Bà đáp:
– Được lắm, làm điều mà ông thấy cần làm. Ông chưa phải là đệ tử thực thụ, và các Chân sư không có quyền gì bắt ông phải ngưng công việc của mình.
'Dầu vậy tôi không thể chịu được ý nghĩ là từ chối, không làm chuyện nhỏ nhặt nhất mà Chân Sư kêu tôi làm, và tuy không thể thấy là làm sao có đủ lợi tức khi vắng mặt ở văn phòng, cuối cùng tôi bảo mình sẽ đi với bất cứ giá nào. HPB hỏi tôi sẽ mất bao nhiêu lợi tức khi đi xa, tôi cho bà hay con số thấp nhất là khoảng 500 mỹ kim một tháng. Tôi đi lo công chuyện đến tháng thứ hai mới trở về. Khi ra ngân hàng xem còn bao nhiêu, tôi kinh ngạc nghe nói là tiền có 1000 mỹ kim nhiều hơn số tôi tính. Nhân viên có lầm không ? Không, đúng là số tiền họ đã nói. Tôi mới hỏi xem họ có nhớ hình dạng của người dường như là đã ký thác hai lần 500 $, vào trương mục của tôi. May sao họ nhớ vì người đàn ông có hình dạng lạ lùng: rất cao, tóc đen thả dài xuống vai, mắt đen xuyên thấu, da nâu, nói tóm tắt là người Á đông. Cùng một người này gửi tiền hai lần, chỉ đưa tiền và bảo cho nó vào trương mục của tôi. Ông không có sổ băng của tôi, và bảo người thâu tiền ghi giùm tờ giấy gửi tiền vì, 'ông không thể viết tiếng Anh'.
'Lúc khác ở Bombay bà luôn luôn có tiền cho mình khi cần hết sức. Lúc chúng tôi mới đến đó, chỉ có đủ tiền chi xài việc trong nhà cho vài tháng sắp tới mà thôi, đừng nói đến đến việc ăn tiêu xa xỉ hay dư dả, vậy mà chúng tôi đi thăm vài nơi trên đất Ấn như sẽ kể về sau, và bà thêu dệt thành sách rất sống động (mang tên Caves and Jungles of Hindustan), chi ra khoảng 2000 rupees mà không có ảnh hưởng gì. Quĩ không bao giờ cạn, vì chúng tôi được Chân sư cung cấp những gì cần khi làm công việc của các ngài.
'Tôi hỏi làm sao chuyện ấy có được, khi Chân sư sống ngoài thế giới của việc phải đi làm kiếm tiền, HPB đáp các ngài là những vị canh giữ các mỏ và kho tàng ngọc ngà châu báu vô tận, do karma liên kết với chúng, kho tàng có thể được dùng làm việc thiện cho nhân loại bằng những cách khác nhau. Tuy nhiên một số các kho tàng này nhiễm hào quang của tội ác ,mà nếu đào lên và luân lưu nó trước khi karma hóa giải sẽ sinh ra tội ác mới, làm tăng thêm khổ não cho nhân loại. Mặt khác do karma, một số người sẽ như tình cờ tìm được tiền của chôn dấu hay vật quí giá khác, hay nhờ kinh doanh thu hút được tài sản nhiều hay ít. Tinh linh của kim loại là tác nhân mang lại những điều này.
'Riêng về hội Theosophia, tôi có thể nói rằng biết bao nhiêu lần tôi thấy hộp tiền gần cạn, tương lai về tiền bạc rất là nản, nhưng rồi luôn luôn tôi nhận được từ nguồn này hay kia số tiền tôi cần, và công việc của chúng tôi không hề bị ngưng một ngày nào vì thiếu phương tiện. Ta cũng nên nhớ lại HPB không thể quyết định, là khi nào mình nên nhận được tiền cho công việc hay không. Năm 1873 khi từ Paris đến New York bà cạn túi và phải nhận may thuê để sống. Bà không có tiền từ trên trời rớt xuống vì chưa tới lúc.'
Nói về con người HPB, ông viết:
– HPB không phải là người khắc khổ, không ăn chay, có vẻ như để có sức khỏe bà cần phải ăn thịt, cả tôi cũng vậy. Bà hút thuốc liên miên, rất khéo léo trong việc vấn thuốc. Bà có thể tay trái vấn thuốc trong khi tay phải viết bài. Khi viết Isis bà ngồi một chỗ cả ngày, cái vận động duy nhất là đi qua phòng ăn hay nhà tắm và trở lại bàn viết. Vì ít vận động như thế nên khi sách viết xong, bà cân nặng 115 ký. Lúc ấy chúng tôi bắt đầu tính chuyện sang Ấn Độ, nên bà tuyên bố sẽ xuống cân để tiện việc đi lại và bà xuống cân thật, chỉ còn có 70 ký! Bà ở mức này luôn tới khi qua Ấn và sau đó một lúc lâu, nhưng rồi lên cân trở lại và giữ như thế cho đến khi qua đời.
'Bà là người rất thẳng thắn, ăn nói bộc trực khi không cần chuyện trò xã giao với người mới quen, khi phải chào hỏi lịch sự như vậy thì bà hết sức nhã nhăn trong mọi cung cách của mình. Dù vẻ ngoài có thể lôi thôi ra sao, bà có dáng điệu của người quí phái mà nếu muốn, sẽ rất lịch thiệp như một công tước phu nhân của Pháp. Nhưng trong đời sống bình thường, hằng ngày lời chê trách của bà thật sắc bén như dao và khi giận dữ thì nổ bùng. Đối với bà cái tội duy nhất không thể tha thứ được là giả dối và ra vẻ kênh kiệu, khi đó bà không nương tay và không tiếc lời chỉ trích, Thường khi bà thấy được những tội lỗi dấu kín của người khác nói chuyện với bà, và nếu họ chê bai MTTL hay chính bà thì HPB sẽ tuôn cơn thịnh nộ lên đầu họ. Nhưng nếu đó là người ngay thẳng thiếu hiểu biết thì bà luôn luôn có lời dịu ngọt, và đôi khi tặng quà. Bà ưa thích đi ngược với thói đời, và không gì khiến hài lòng bà hơn việc làm và nói những điều khiến người giả dối kinh ngạc. Thí dụ có tối nhà đông khách cả nam lẫn nữ, HPB mặc áo ngủ ra tiếp khách. Con người bà thấy rõ rệt là không có ý gì về phái tính, nên chẳng ai thấy khó xử khi bà làm vậy, khách nữ giới không hề thấy bà là tình địch, mà các ông thì không thể tưởng tượng là bà muốn lôi cuốn họ vào chuyện tình cảm. Nét mặt, lời nói và hành động đều cho thấy bà không có chút cảm xúc gì về phái tính.
'Bà dùng chữ mạnh bạo mà không có ý xấu nào, và nếu tật này không làm người câu nệ khó chịu phải lên tiếng than phiền - người mà bà thấy được tội lỗi kín của họ do thông nhãn (clairvoyance) -, hẳn bà đã bỏ nó. Vì bà có tánh giống như mọi người mà mạnh hơn nhiều, là làm chuyện cấm đoán chỉ vì có tinh thần đối kháng. HPB chống đối với mọi thói đời về niềm tin, thị hiếu, y phục, tư tưởng, hành vi, mà cũng có một đặc tính làm người lạ ngạc nhiên và làm ai yêu quí bà thấy rất lôi cuốn, đó là khi gặp chuyện gì hài lòng thì bà hớn hở như trẻ thơ, như khi thân nhân gửi món quà lạ lùng từ Nga qua, bà vui thích đem khoe với mọi người làm họ cũng thích thú.’
Bà không hề để bụng giận ai, hễ tức mình thì tuôn ra một thôi một hồi làm đối phương choáng váng, nhưng sau đó bà lại nhã nhăn, lịch thiệp như cũ. Tánh tình HPB cứng cỏi, và nhân vật duy nhất mà bà chịu tôn kính là các Chân sư; ý chí bà mạnh mẽ nên khi tức giận hay có điều phật ý, thì trọn con người bừng bừng xáo trộn. Ta có nói nhiều nhân vật sử dụng thân xác bà trong lúc viết bộ Isis, nhưng ngay cả với các Ngài khi thể xác có sự bực bội tột độ thì ít ai dùng được nó, ngoại trừ vị Chân sư là Thầy của bà, có ý chí còn sắt đá hơn HPB, những Vị khác hiền hòa hơn lúc đó không tới gần hay không thể tới gần.

CHƯƠNG IX
Sang Ấn Độ

Kể từ cuối 1876 đến năm 1878, hội Theosophia không còn hoạt động. Tuy nhiên ảnh hưởng lớn mạnh của nó thấy qua việc thư từ liên lạc với hai vị sáng lập tăng lên, báo chí đăng các bài viết gây nhiều tranh cãi của hai người, các chi bộ được thành lập ở Corfu và London, và nhiều người tán đồng ở Ấn Độ và Tích Lan cũng liên lạc với hai vị. Tại Hoa Kỳ, những nhà thông linh học có tiếng vào hội lúc ban đâu nay tất cả đều ra khỏi hội, những buổi họp gần như ngưng, tiền niêm liễm hội viên phải đóng được hủy bỏ, nhưng cái ý tưởng thì chưa bao giờ mạnh mẽ bằng, hay phong trào đầy lực sinh động khi nó loại bỏ cơ cấu tổ chức bên ngoài, và tinh thần của nó cô đọng lại vào tâm não và linh hồn hai vị sáng lập.
Tháng 7 năm 1878 HPB trở thành công dân Hoa Kỳ. Cũng trong năm nay, tình cờ hai vị được biết là có một tổ chức tại Ấn giảng dạy minh triết trong kinh sách của Ấn giáo. Đôi bên liên lạc và vì lý do nào đó hai vị rất thán phục tổ chức này, và muốn hội Theosophia hợp làm một với nó. Việc đã xúc tiến trước khi hai vị sang Ấn, nhưng khi nhận được bản điều lệ của tổ chức thì thấy nó thiên nặng về Ấn giáo, thay vì chủ trương tình huynh đệ đại đồng như của hội, nên việc hòa hợp chấm dứt. Hoa Kỳ lúc đó xem ra không phải là nơi thuận tiện để có hoạt động về Theosophia, hội gần như ngủ yên trong lúc nà mà ta cũng có ý kiến khác là việc sang Ấn đã manh nha từ năm 1877. Ông Judge ghi rằng bà Blavatsky nhờ ông soạn hợp đồng cho bà và nhà xuất bản bộ Isis, khi soạn xong và ký vào đó, HPB bảo:
– Nay tôi có thể tính đến chuyện sang Ấn.
Về phần ông Olcott trong quyển 'Old Diary Leaves', ông tả lại một kinh nghiệm cho ra kết quả trọng đại cho đời ông như sau:
– Khi đã làm xong việc hôm ấy về quyển Isis, tôi chào HPB rồi quay về phòng mình, đóng cửa lại như thường lệ, ngồi xuống hút thuốc và đọc sách, chẳng bao lâu tôi mê say theo dõi chuyện mà nếu tôi nhớ đúng, là quyển 'Travels in Yucatan' của Stephens. Bàn và ghế của tôi nằm ở bên trái trước cánh cửa phòng, chiếc giường nhà binh nằm bên phải, cửa sổ thì đối diện với cửa lớn, và phía trên cao của bàn là cái đèn bằng gaz từ tường đâm ra.
'Tôi yên lặng đọc sách, hướng trọn tâm trí vào đó... Tôi ngồi với vai hơi quay về phía cửa, bất chợt tôi thoáng thấy có cái gì mầu trắng ở góc phải của khóe mắt phải, kinh ngạc tôi quay đầu bỏ rơi cuốn sách, và thấy đứng sừng sững trước mắt là một người đông phương có vóc dáng cao lớn, y phục trắng, quấn khăn có sọc mầu hổ phách bằng lụa có thêu tay. Ngài có tóc đen nhánh thả dài từ khăn xuống vai, râu đen chẻ ở giữa cằm theo kiểu cách của các hoàng thân Ấn, xoắn lại ở hai đầu và vắt qua tai. Mắt ngài sống động với ngọn lửa tâm linh, vừa hiền dịu mà cùng lúc nhìn xuyên thấu tâm can, là mắt của vị thầy và của quan tòa nhưng được làm nhẹ đi bằng tình thương của người cha, ngắm nhìn đứa con đang cần lời chỉ dạy và hướng dẫn. Ngài là nhân vật rất mực uy nghi, có sự đường bệ của sức mạnh đạo đức, sáng rực nét tinh thần cao hơn người đời thật rõ ràng, nên tôi thấy mình hèn mọn trước mặt ngài và cúi đầu, khuỵu gối như ta làm trước mặt thần linh hay nhân vật cao cả như thần linh. Có bàn tay để nhẹ lên đầu tôi, có giọng nói mạnh mẽ nhưng êm ái kêu tôi ngồi xuống, và khi tôi ngẩng lên nhìn thì ngài đã ngồi vào chiếc ghế bên kia bàn.
'Ngài cho tôi hay là đến vào lúc có biến cố tôi cần đến ngài, rằng hành động của tôi đã mang tôi tới điểm này, rằng chỉ có tôi mới quyết định có nên hay không việc ngài và tôi nên thường gặp nhau trong đời này, như là những người cùng làm việc lành cho nhân loại, rằng có một phần việc vĩ đại sắp phải làm cho nhân loại, và tôi có quyền dự phần vào đó nếu muốn, rằng có một mối dây huyền bí chưa thể giải thích cho tôi rõ lúc này, đã mang HPB và tôi lại với nhau, một mối dây không thể làm đứt đoạn dù đôi lúc bị căng thẳng. Ngài cho tôi hay những chuyện về HPB mà tôi không thể nhắc lại, cũng như chuyện về tôi không liên quan đến ai khác. Tôi không thể nói ngài ở đó bao lâu, có thể nửa tiếng hay một tiếng mà cũng có thể chỉ là một phút, vì tôi không để ý tới thời gian trôi qua.
'Cuối cùng ngài đứng dậy, tôi lạ lùng với chiều cao của ngài (6'6", khoảng 2 m) và nét mặt chói lọi của ngài, không phải vẻ rực sáng bên ngoài mà là nét êm dịu của ánh sáng bên trong, của tinh thần. Đột nhiên óc tôi tự hỏi:
– Nếu đây chỉ là huyễn tưởng thì sao ? nếu đây là do HPB thôi miên làm tôi thấy ảo ảnh ? Ước sao có được vật sờ mó được để chứng tỏ cho mình thấy là ngài thực sự đã tới đây, có cái gì mà mình cầm được trong tay sau khi ngài đã đi rồi !
'Chân sư mỉm cười nhân từ như thể đọc được ý nghĩ của tôi, tháo khăn fehta trên đầu, nhẹ nhàng chào từ giã tôi và - biến mất, ghế ngài không còn ai, chỉ có tôi một mình với cảm xúc riêng ! Không hẳn là một mình vì trên bàn có nằm chiếc khăn thêu quấn đầu, một bằng cớ hữu hình và còn mãi cho tôi thấy là mình không bị bỏ quên, hay bị làm mà mắt, mà đã mặt đối mặt với một trong những bậc Huynh Trưởng của nhân loại, một trong các Chân sư mà chúng ta là đệ tử dại khờ.’
Kinh nghiêm này là yếu tố chính, khiến ông Olcott quyết định sang Ấn Độ cùng HPB vào tháng 12 - 1878, dầu vậy ông phải giải quyết vài chuyện thực tế trước đó, ấy là tuy rất muốn đi Ấn nhưng ông không thể rời Hoa Kỳ trước khi hai con trai có công việc làm, mà ông cũng chưa biết là mình sẽ sinh sống bằng cách nào, nếu không hành nghề luật là việc làm của ông lúc này, lại còn phải chu cấp cho người vợ đã ly dị. Trong buổi nói chuyện trên, Chân sư trấn an rằng ông sẽ tìm ra cách giải quyết, và hai con trai của ông cũng sẽ được chăm lo. Thật vậy, chẳng bao lâu người con lớn tìm được chỗ làm ở California, còn ông Judge kiếm được việc cho người con thứ. Khi ấy ông Olcott dàn xếp để có thể làm việc xuất nhập cảng tại Ấn, ý của ông là bán sản phẩm về văn hóa Ấn sang Hoa Kỳ, cũng như làm đại diện cho hàng hóa Hoa Kỳ tại Ấn. Tổng thống Hayes ký tên thư giới thiệu ông đến tất cả các bộ trưởng và lãnh sự Hoa Kỳ, và bộ ngoại giao cấp cho ông sổ thông hành ngoại giao, cùng giao cho ông việc tường trình những cơ hội mậu dịch cho Hoa Kỳ tại Á châu.
Theo lời khuyên của bác sĩ, ông Olcott để râu mọc dài che chở cho cổ họng dễ bị cảm của mình. Râu đã mọc dài khoảng 10 cm thì một buổi sáng khi thức dậy, ông cảm thấy có gì dưới cằm. Ông mất một tiếng đồng hồ mới gỡ rối được, thấy đó là một lọn râu đã mọc trong đêm dài đến 35 cm. Khi đưa cho HPB xem, bà giải thích rằng Chân sư đã khiến râu mọc đêm qua để làm nơi dự trữ sức che chở cho ông. Vì chỉ là một lọn nếu thả dài tới bụng trông sẽ kỳ lạ ,nên ông nhét nó dưới cổ áo cho tới vài năm sau râu mọc đều. (Râu tóc chứa đựng năng lực, nên HPB có nhận xét rằng các vị sư tóc dài thường sống lâu hơn ai cạo tóc râu).
Vào tháng 5 - 1878 nhà phát minh Thomas Edison gia nhập hội (năm 1979 vào dịp lễ kỷ niệm 100 năm sáng chế bóng đèn điện, văn khố Edison tại Madison, New Jersey triển lãm những tài liệu về ông Edison, trong đó có một biên lai đóng niên liễm cho hội Theosophia của ông Edison). Nói về ảnh hưởng của MTTL đối với triết lý của Edison, trước khi ông qua đời báo chí hỏi ông có tin người ta vẫn tiếp tục sống sau khi chết hay không, Edison đáp:
– Việc tiếp tục sống duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra, là bắt đầu chu kỳ sống khác trở lại.
Nói khác đi là luân hồi tái sinh.
Cũng vào tháng 5 hai vị được lệnh khởi sự chuẩn bị việc qua Ấn sau này. Ông Olcott chỉ định các hội viên trông coi chuyện hội tại Hoa Kỳ trong lúc ông vắng mặt. Vào tháng 11 HPB ghi trong nhật ký rằng Chân sư Serapis ra lệnh đi Ấn, trễ nhất là trong khoảng 15 - 20 tháng 12, ngài muốn hai vị đi ngày 17 - 12. Cuối cùng mọi việc thu xếp xong, trả nhà, bán đấu giá bàn ghế. Trước khi rời nước ông Olcott đến thăm Edison, và mua đem sang Ấn một máy thâu âm nặng 50 ký, ngày 15 - 12 trong buổi tiệc chia tay tại Lamasery, khách đến tiễn biệt thay phiên nhau nói vào máy cho các hội viên tại Ấn, để hai vị mang băng sang đó. Ta có lời của HPB, ông Olcott, ông Judge, và nhiều người khác trong thuở ban đầu của hội. Chuyện không may là về sau (1895) cuộn băng bị hư theo với thời gian, không còn phát ra tiếng nữa.
Hai vị chào từ giã chùm đèn đã chứng kiến bao đêm họ ngồi viết Isis, và lên tầu lúc 7 giờ tối ngày 17 - 12, cùng đi với hai vị sang Ấn là hai thân hữu người Anh. Từ New York họ sang tới London vào ngày đầu năm 1879.
Tại đây khi đang đi trong thành phố với bạn lúc trời mù, ông nghe một người kêu lên kinh ngạc mà khi quay lại, ông bắt được ánh mắt cứa một người Ấn cao lớn cũng đang quay đầu lại. Hai vị cư ngụ vài ngày tại nhà người quen ở London, sau chuyện trên khi về đến nhà, ông Olcott nghe kể là như thường lệ chủ nhà đóng cửa cài then, nhưng khi bà chủ nhà từ phòng khách ra định tới phòng HPB thì giật nẩy mình, khi thấy một người Ấn rất cao lớn đang đứng trong phòng, giữa cửa ngoài và cửa phòng HPB, đôi mắt sắc bén lạ thường. Người này không giải thích làm sao vào được nhà mà chỉ nói:
– Tôi muốn gặp bà Blavatsky.
Ông đi về phía cửa phòng bà, làm như biết phòng nên chủ nhà mở cửa phòng cho ông đi vào. Ông chắp tay chào HPB theo kiểu Ấn, nói bằng ngôn ngữ mà chủ nhà không biết, bà tính đi ra thì bà Blavatsky ra dấu cho bà ngồi. Chủ nhà không biết tại sao người bằng xương bằng thịt có thể đi xuyên qua cửa vật chất đóng kín...
Sau vài ngày lưu tại London và ông Olcott thuyết trình tại hội quán của hội Theosophia ở đây, hai vị lên tầu sang Bombay nay gọi là Mumbai, và tới nơi ngày 15 - 2, 1879. Lúc còn ở New York, trước khi đi ông Olcott nhờ người lo mướn chỗ cư ngụ tại Bombay, sang tới nơi ở được vài ngày ông nhận ra là mình đã bị gạt với giá mướn quá cao, và bị tính tiền những khoản vô lý. Ngày 7 - 3 hai vị tìm được nơi khác trong khu của người Ấn (thay vì là khu của người da trắng), nơi ít người da trắng lui tới và về ngụ chỗ này. Ở đây ông và bà mỗi vị có nhà riêng cho mình, ông cũng mướn người giúp việc cho bà Blavatsky, là một cậu trai 15 tuổi người Ấn tên Babula, tỏ ra rất trung thành, ở cùng bà cho tới ngày cuối đời. Chẳng mấy chốc hai vị có nhiều khách đến thăm, và chín ngày sau đó ông cũng nhận được thư của ông Alfred Percy Sinnett, chủ bút tờ The Pioneer, một trong những tờ báo rất có thế lực tại Ấn, ngỏ ý mời hai vị đến chơi nếu có dịp lên vùng phía bắc, cũng như sẵn sàng đăng tải những sự kiện liên quan đến việc làm của hai vị tại Ấn.
Giống như ở Hoa Kỳ, nhiều sự việc lạ lùng cũng diễn ra quanh HPB khi bà ngụ tại Ấn Độ, sau đây là chuyện xẩy ra ngày 25 tháng ba 1879, không lâu sau khi ông Olcott và bà Blavatsky tới Bombay.
Hôm đó bà kêu Moolji Thackersey, một người bạn Ấn của hai vị, gọi xe ngựa và khi xe tới, lên xe cùng đi với ông. Bà không chịu cho hay nơi sẽ đến khi ông hỏi muốn đi đâu, mà chỉ nhờ ông dặn người đánh xe cho chạy theo lời bà là quẹo trái, phải hay đi thẳng. Chiều tối về trở lại, Moolji thuật rằng bà chỉ cho xe chạy qua nhiều đường lớn rồi ngõ ngách vòng vo, cuối cùng đến một ngoại ô của Bombay, cách thành phố khoảng 12 - 15 cây số, trong một khoảng rừng thông ... Moolji biết nơi này vì đã hỏa thiêu thân xác của mẹ ông ở vùng bên cạnh. Đường lớn và đường nhỏ đan vào nhau chằng chịt trong rừng nhưng HPB không hề ngần ngừ, luôn chỉ đường cho người xà ích quanh quẹo mãi, cho tới khi xe ra đến bãi biển. Moolji ngạc nhiên thấy xe ngừng trước cổng một tư gia có vườn hoa hồng tuyệt đẹp đằng trước, bên trong là một biệt thự khang trang, với hàng hiên rộng rãi kiểu đông phương.
HPB xuống xe, bảo Moolji chờ bà ở đó, và thêm rằng dù cho ăn kẹo cũng chớ bước chân vào nhà này. Thế nên ông chờ ngoài xe mà bụng thắc mắc, vì tuy ông là người cư ngụ cả đời ở Bombay mà chưa hề nghe nói đến ngôi nhà. Ông gọi một trong những người làm vườn đang nhổ cỏ quanh luống hoa, nhưng người này không cho ông biết tên chủ nhà cũng như họ đã ở đây bao lâu, biệt thự được xây cất lúc nào, tánh kín miệng này là chuyện hết sức lạ lùng đối với người Ấn.
Trong khi đó, HPB đi thẳng tới nhà, được một người Ấn cao lớn có vóc dáng thật oai nghi, đáng kính, y phục toàn trắng chào hỏi ân cần, đưa bà vào trong. Một khoảng thời gian sau hai người bước ra, vị chủ nhà bí ẩn chào từ giã bà và trao cho HPB một bó lớn hồng bạch, mà một trong những người làm vườn mang đến cho ông. HPB trở ra, lên xe ngựa có Moolji chờ nẫy giờ và kêu người đánh xe quay về Bombay. Moolji gặng hỏi nhưng chỉ được HPB cho biết người lạ là một huyền bí gia mà bà có quen biết, và có chuyện phải gặp ông hôm ấy ... Điều lạ lùng nhất của chuyện là không sao HPB biết được điều chi về ngoại ô này lẫn đường đi tới đó, ít nhất là từ khi hai vị đến Bombay chỉ mới tháng trước. Bởi chưa có lần nào bà ra khỏi nhà một mình, vậy mà bà tỏ ra hoàn toàn quen thuộc với đường dẫn tới ngoại ô và căn nhà.
Moolji rất đỗi ngạc nhiên với chuyện xẩy ra nên kể tới lui cho bạn hữu nghe, tới mức có người tự hào rằng mình là thổ địa của ngoại ô đó, biết rành rẽ đường xá, đánh cuộc với ông 100 rupee rằng không hề có biệt thự nào như thế ở bờ biển, rằng ông không thể nào dẫn ai tới đó được. Khi HPB nghe vậy, tới phiên bà đánh cuộc với Moolji rằng ông sẽ thua, còn Moolji khăng khăng bảo ông sẽ đi trở lại theo y đường mà hai người đã qua. Ông chịu đánh cuộc với HPB, nên ông Olcott kêu xe và cả ba người (luôn HPB) lên xe ... Hai vị đề nghị Moolji muốn dành bao lâu để tìm nhà cũng được, nhưng xe chạy quanh tới lui nhiều bận mấy tiếng đồng hồ vẫn không tới được chỗ cũ. Moolji hoang mang hết sức và chịu thua cuộc, xe phải quay về.
HPB bảo với mọi người rằng Moolji có thể tìm được ngôi biệt thự lạ lùng, nếu ông không bị ảo ảnh làm mà mắt. Hơn thế nữa, ngôi nhà, giống như tất cả những nơi cư ngụ khác của các Chân sư, luôn luôn được bảo vệ bằng một vòng huyễn ảnh bao chung quanh, không ai lạ xâm nhập được. Huyễn ảnh này được tinh linh duy trì, canh giữ. Ngôi nhà đặc biệt này được một người tin cẩn trông nom luôn luôn, và được dùng làm chỗ họp cho các Guru và Chela (đệ tử), cũng như là chỗ tạm trú khi đi xa.
Về sau HPB cho biết thêm:
– Tất cả những thư viện cổ bị chôn vùi, và những kho tàng lớn lao phải được giữ kín, cho tới khi karma cho phép chúng được mang ra cho con người sử dụng, được bảo vệ bằng huyễn ảnh như đá rắn chắc, mặt đất liền lạc không khe nứt, vực thẳm, hoặc những chướng ngại như vậy, để người phàm không khám phá được.
Đi đâu HPB cũng làm người khác chú ý với hiện tượng do bà tạo ra. Ông Olcott kể ngày đầu tiên trên đất Ấn, một hành khách cùng đi trên tầu với hai vị từ Anh đến Bombay, ghé thăm. Anh tên Ross Scott, được phái sang làm việc ở miền bắc Ấn độ. Trong phòng ngoài anh và HPB, còn có ông Olcott và một vị khách khác tên Hurrychund, hai người sau khi ấy ngồi ở bàn giữa phòng, còn Scott và bà trò chuyện ở bộ salon. Scott than phiền là HPB nói nhiều lần về quyền năng tâm linh trong con người mà không đưa ra chứng cớ nào, trong khi nay mai anh sắp đi nhận nhiệm sở và như vậy sẽ không có dịp thấy bằng chứng, nếu có..
HPB rất quí mến thanh niên do đó chìu lòng anh và hỏi:
– Tôi làm gì được cho anh ?
Scott cầm lấy khăn tay bà đang giữ trên tay, chỉ vào tên 'Heliona' thêu chéo một góc khăn, nói:
– Đây này, làm chữ này mất đi và thay vào đó bằng một tên khác.
– Anh muốn tên gì ? bà thuận ý hỏi.
Thanh niên nhìn về phía chúng tôi, đang đứng cách xa anh một khoảng. Anh chỉ vào khách là chủ nhân cho chúng tôi mướn nhà, và bảo:
– Lấy tên Hurrychund.
Hai chúng tôi đi về phía anh với bà khi nghe nói vậy, và chứng kiến việc sau. HPB bảo Scott nắm chặt trong tay góc khăn của bà có thêu, còn bà giữ lấy góc đối diện. Khoảng một phút sau bà kêu anh nhìn vào khăn, Scott làm theo, thấy tên thêu trên khăn đã đổi, nay chữ thêu là Hurrychund với cùng lối thêu. Anh lạ lùng quá, kêu to lên vì khích động:
– Nào đâu khoa vật lý ? Chuyện này ăn đứt tất cả các giáo sư trên đời !